Chức năng của hệ thống xử lý bóng đèn huỳnh quang là phân loại và xử lý bóng đèn huỳnh quang thải. Hệ thống này thuộc nhà máy xử lý tiêu hủy, tái chế chất thải nguy hại.
Bóng đèn huỳnh quang thải có chứa các thành phần nguy hại như: kim loại, thủy tinh, thủy ngân và bột huỳnh quang.
Bóng đèn huỳnh quang được đưa vào máy đập vỡ. Hơi thủy ngân giải phóng sau khi đập vỡ bóng đèn được quạt hút hút vào thiết bị hấp phụ than hoạt tính và bột lưu huỳnh. Hàm lượng hơi thủy ngân khoảng 7/1.000.000. Tức là trong 1.000 kg bóng đèn có khoảng 7 gram thủy ngân. Trong tháp hấp phụ một lượng than hoạt tính phối trộn với bột lưu huỳnh với tỷ lệ khoảng 5% để xử lý hơi thủy ngân. Hơi thủy ngân sau khi hấp phụ vào than hoạt tính và bột lưu huỳnh tác dụng với lưu huỳnh để thành sunfua thủy ngân (HgS). Khối lượng phân tử của lưu huỳnh là 32 và của thủy ngân là 200,6 nặng hơn gần 6,26 lần lưu huỳnh, có nghĩa là cứ 1 kg lưu huỳnh có thể xử lý được 6,26 kg thủy ngân (tương đương với 894 tấn bóng đèn xử lý). Sau khi qua hệ thống hấp phụ, dòng khí tiếp tục qua thiết bị lọc túi vải nhằm giữ lại những hạt bụi có kích thước lớn trước khi thải ra môi trường.
Bóng đèn huỳnh quang sau khi bị đập vỡ được băng tải đưa lên sàn phân loại. Sàn phân loại bóng đèn bằng sàn rung mắt lưới 2cm để tách riêng đuôi đèn. Hỗn hợp thủy tinh và bột huỳnh quang lọt qua mắt lưới 2cm và xuống sàn mắt lưới 0,5cm. Tại sàn phân loại có thiết bị phun nước rửa nhằm phân tách thành phần bột huỳnh quang khỏi bóng đèn thủy tinh. Quá trình vừa đảo trộn vừa phun nước cao áp làm sạch lớp bột huỳnh quang một cách nhanh chóng. Bột huỳnh quang theo dòng nước tạo thành huyền phù màu trắng về bể chứa và được lắng lại thu lấy cặn, phần cặn này đưa đi ổn định hóa rắn. Thủy tinh và kim loại đã làm sạch được tháo ra từ đáy của sàn phân loại và được chuyển cho các cơ sở tái chế.